Bác Hồ đã từng dạy:
“Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp
Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp.”
Hưởng ứng lời dạy của Bác về phong trào thi đua “Người tốt việc tốt” nên trong nhiều năm qua, thầy và trò trường Tiểu học Thanh Liệt – huyện Thanh Trì chúng tôi đều cố gắng vượt khó vươn lên dìu dắt nhiều thế hệ học sinh nên người. Được công tác dưới một mái trường giàu truyền thống hiếu học, mái trường Thanh Liệt yêu thương, nhiều thế hệ thầy cô giáo yêu nghề mến trẻ đã trưởng thành và trở thành những tấm gương điển hình tiên tiến cho ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì. Rất nhiều thầy cô giáo đã và đang lập được nhiều thành tích, có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục huyện Thanh Trì nói chung và trường Tiểu học Thanh Liệt nói riêng. Với bài viết này, tôi xin phép được kể câu chuyện về một người chị, một người đồng nghiệp mà tôi vô cùng yêu quý, kính phục. Đó là cô giáo Nguyễn Ngọc Thuyết – giáo viên chủ nhiệm lớp 5D – Trường Tiểu học Thanh Liệt.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất giàu truyền thống tôn sư trọng đạo – huyện Thanh Trì, Hà Nội, ban đầu khi mới biết về chị, tôi được biết, chị là con út trong một gia đình căn bản, có bố mẹ đều là công nhân. Thời còn đi học phổ thông, chị là học sinh của trường Tiểu học Thanh Liệt. Có lẽ từ tình yêu chị dành cho ngôi trường yêu quý này đã cháy lên trong chị ước mơ trở thành một giáo viên của trường. Nhiều năm ở Trường Đại học sư phạm Hà Nội, chị cũng đều đạt được các thành tích đáng nể. Trò chuyện, tâm sự với chị, tôi càng nể phục bởi tiếp xúc với chị lâu, tôi mới hiểu được lý do vì sao ngay từ khi đi học chị đã đạt được những thành tích như vậy. Đó chính là bởi vì cách chị học tập và lao động luôn tràn đầy nhiệt huyết, hăng say, không bao giờ ngại khó, ngại khổ, luôn tiên phong đi đầu, nêu cao đúng tinh thần gương mẫu của người Đoàn viên ưu tú.
Chị Thuyết thường tâm sự với chúng tôi là chị vừa có duyên lại vừa gặp may vì khi vừa ra trường chị đã được về công tác tại trường Trường Tiểu học Thanh Liệt. Với nhiều người trẻ thì công tác tại một ngôi trường giàu truyền thống như mái trường Thanh Liệt là điều khó khăn nhưng thực tâm mình, chị Thuyết lại vô cùng yêu quý và gắn bó với ngôi trường rợp bóng cây. Chị kể, trường mình có cái đáng quý, đáng yêu là tất cả các chú, các cô, các chị, các bạn, các em đều rất đoàn kết, yêu thương nhau. Ở mái trường Thanh Liệt, chị đã cống hiến tuổi thanh xuân với sức trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo. Cũng chính ở nơi đây chị đã học được nhiều bài học về nghề, bài học cả về cách làm người, học được cách ứng xử thanh lịch của nhiều thế hệ cô giáo lớn tuổi.
Qua lời kể của các cô trong trường, ngay từ khi mới về trường, chị Thuyết đã là một trong những cô giáo trẻ không chỉ tài năng mà còn nhiệt huyết, có tinh thần học hỏi, tinh thần trách nhiệm và đóng góp cho nhà trường nhiều thành tích lớn. Trong nhiều năm liền, chị Thuyết là một trong số những cán bộ giáo viên trẻ tích cực nhất, hầu như mỗi đợt chuyên đề hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi của nhà trường nhiều năm liền đều có bàn tay, công sức của chị Thuyết tham gia thi hay hỗ trợ đồng nghiệp với ý thức trách nhiệm và lòng nhiệt tình cao nhất. Chị không chỉ nhiệt tình tham gia cùng với tổ nhóm chuyên môn xây dựng các hoạt động dạy học hay giúp soạn bài trên máy mà còn chủ động hỗ trợ đồng nghiệp chuẩn bị đồ dùng, trang bị…và nhiều công việc khác của các tiết chuyên đề hay thi dạy; thi soạn giảng điện tử…. Có thể nói, với nhiều thầy cô giáo lớn tuổi trong trường, cháu Thuyết, em Thuyết luôn là người nhiệt tình nhất, luôn sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp, không ngại cả việc thức khuya, dậy sớm, ở trường đến tối đêm hay thậm chí đến tận nhà đồng nghiệp cùng xây dựng bài dạy để nâng cao chất lượng chuyên môn của nhà trường. Còn đối với tôi, chị như một người đồng hành đáng tin cậy trên con đường giáo dục.
Riêng mình, là một giáo viên khác khối với chị, tôi cũng ít khi có điều kiện dự giờ chị Thuyết nhưng có lần, từ một tiết Tập làm văn tôi được dự giờ chị, tôi thấy rằng giờ học của chị Thuyết chẳng những sáng tạo, tự nhiên, vui vẻ, dí dỏm mà học sinh bạn nào cũng hiểu bài, lời dạy cũng đầy chất văn, cuốn hút. Kể cả trong những giờ dạy bình thường, có những lớp chậm mà các con không tự giác, chị Thuyết cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập để thu hút và phát huy tích cực của học sinh. Chị còn chăm chỉ rèn nếp học cho các con với việc thường xuyên ở lại quá giờ để ốp các con ôn bài sau khi đã thông báo cho phụ huynh; rồi dùng nhiều hình thức khen thưởng động viên các bạn kém cố gắng vươn lên trong học tập. Chẳng hạn như chị trao thưởng cho những học sinh có nhiều tiến bộ do các bạn bình chọn; hay thưởng cho học sinh có điểm kiểm tra bài định kì cao nhất các môn Toán, Tiếng Việt, Khoa, Sử – Địa, Tiếng Anh, Tin học,… để khuyến khích tinh thần thi đua học tốt. Vì vậy, nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh cùng các con đã ra trường đều rất tin yêu và kính trọng cô.
Và rất nhiều, rất nhiều những hành động đẹp khác mà tôi được biết đến ở chị qua những câu chuyện, lời kể của bạn bè đồng nghiệp hay các con học sinh. Có lẽ, cái tâm với nghề, với trẻ của chị trong sáng như vậy nên những thế hệ học sinh đã ra trường rồi, dù là học sinh chị chủ nhiệm hay không thì các con vẫn luôn nhớ tới cô, yêu mến cô, có cả những cháu đã chuyển trường vì hoàn cảnh gia đình nhưng lúc nào cũng quý mến và nhớ tới cô Thuyết với những tình cảm tốt đẹp. Cứ mỗi dịp 20/11, các con học sinh đã ra trường lại quay trở lại thăm chị với tình cảm sâu sắc và đáng quý nhất. Những lúc rảnh rỗi, chị em chuyện trò tâm sự, chị Thuyết thường nói với tôi, chị tâm niệm rằng: “Thành công của mình chính là sự thành công của học trò trên bước đường tương lai. Chính chúng ta đã xây nên nền móng cho các con vững bước.” Ý nghĩ đó, những hành động đẹp đó đã là nên một cô giáo Nguyễn Ngọc Thuyết được bao lứa học sinh yêu quý.
Vijaya Lakshmi Pandit đã từng nói:“Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện”. Quả thực như vậy, mỗi thầy cô giáo không chỉ là người truyền thụ tri thức mà còn là một kĩ sư tâm hồn, giáo dục nên những nhân cách tốt. Và phương tiện hữu hiệu nhất để các thầy cô thực hiện nhiệm vụ giáo dục có lẽ chính là bản thân thầy cô. Chị Thuyết – cô giáo trẻ tận tâm và nhiệt huyết của mái trường Tiểu học Thanh Liệt chúng tôi cũng vậy, chị đã dạy học không chỉ bằng ngôn từ và khối óc mà còn truyền cho những lứa học sinh của mình những bài học về lòng nhân ái, sự sẻ chia để mai này dù các con bay đến phương trời nào thì ẩn sâu trong kí ức các con những năm tháng dưới mái trường Thanh Liệt, bên cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Thuyết vẫn là những kí ức đáng nhớ, đáng trân trọng!
Không chỉ nhiệt huyết trong các hoạt động dạy học, cô Thuyết còn rất tích cực trong các phong trào thi đua của trường, của huyện tổ chức. Năm học 2018 – 2019, cô giáo Nguyễn Ngọc Thuyết đã đạt giải Nhất trong cuộc thi “Kĩ năng Công nghệ thông tin” dành cho giáo viên huyện Thanh Trì; chị còn đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2020 – 2021.
Tôi xin phép được khép lại bài viết bằng một câu nói rất nổi tiếng của một vĩ nhân: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Chúng ta, những người thầy, người cô tuy không phải là bậc vĩ nhân nhưng hãy làm nghề bằng lương tâm và trách nhiệm bởi sản phẩm của quá trình lao động tuyệt đẹp này là những nhân cách tốt, những con người với tương lai sáng lạn hay đơn giản là những kỉ niệm đẹp ấm áp tình yêu thương trong những năm tháng bé thơ của cuộc đời.