Viết về gương điển hình tiên tiến, Người tốt, việc tốt – Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân: Tấm gương sáng về tình thương và trách nhiệm.
Trong cuộc sống, có những người như ánh sáng dẫn đường, giúp ta vượt qua những khó khăn, thử thách. Đối với tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân – cũng là mẹ chồng tôi – chính là một trong những tấm gương như vậy. Bà không chỉ là người mẹ, người bà hết lòng vì gia đình mà còn là một người phụ nữ kiên cường, luôn nỗ lực không ngừng để cống hiến cho cộng đồng. Năm nay bà đã 65 tuổi, nhưng chưa bao giờ bà ngừng làm việc, học tập và cống hiến.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân
Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, thời thơ ấu, bà đã gần như thay mẹ chăm sóc hai em. Em út kém bà 19 tuổi nên mọi việc trong gia đình đều do bà quán xuyến. Mẹ bà là một nữ hộ sinh của trạm xá xã Tứ Hiệp, thường xuyên phải trực đêm nên hàng ngày bà chăm sóc hai em và lo liệu việc nhà, việc đồng áng như cắt cỏ, cấy lúa, gặt lúa, hái rau, đi xe điện thời bấy giờ lên chợ Đồng Xuân – Bắc Qua bán rau.
Khi 5 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà đã phải lên Lào Cai – nơi công tác của bố và hàng ngày tự ở nhà chơi, không có người trông nom do bố còn bận việc.
Sinh vào năm cuối cùng của thập niên 50, qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, tuổi thơ bà đã trải qua những lo lắng khi nghe tiếng báo động máy bay địch, phải xuống hầm trú ẩn. Làng Cổ Điển A bị địch ném bom, nhiều người thiệt mạng,… nhưng tình yêu nghề giáo luôn cháy bỏng trong bà. Từ nhỏ, không có bút và vở, bà lấy gai cây bô rô và lá chuối để thay thế. Dù gặp nhiều khó khăn, bà vẫn vươn lên học giỏi, tốt nghiệp Đại học Sư phạm và năm 1983, bà trở thành giáo viên dạy tiếng Nga tại trường THCS Tứ Hiệp từ đó đến năm 1996.
Khi lập gia đình, với sự tháo vát, đảm đang của mình, ngoài thời gian đi dạy tại trường, bà làm đủ mọi nghề để có thu nhập trang trải cuộc sống như làm bàn chải từ xương và lông của lợn, bò, bà còn nhận đan, móc len, dán trướng, xâu hạt, trồng táo, trồng rau ngót, rau muống,… Bằng sự khéo tay của mình, bà có nhiều khách quen yêu thích sản phẩm của bà. Đan một chiếc áo len khi đó có giá gần bằng một tháng lương đi làm giáo viên lúc bấy giờ.
Với tư duy nhanh nhạy, tầm nhìn rộng, thấy được sự phát triển của tiếng Anh trong tương lai nên bà đã đi học nâng cao tiếng Anh. Thời điểm đó không có được sự tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng với tiếng Anh như bây giờ, bà đã phải học từ trình độ A rồi lên B, lên C, cuối cùng hoàn thành chương trình sư phạm tiếng Anh và đã chuyển sang dạy tiếng Anh từ năm 1996 đến khi nghỉ chế độ năm 2014. Với hơn 31 năm công tác, bà đã đạt nhiều thành tích cao như: 10 năm liền đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhiều năm là giáo viên giỏi cấp huyện, SKKN loại C cấp thành phố. Bà còn tham dự thi và đỗ trong đợt nâng ngạch giáo viên cao cấp.
Có những gia đình bà dạy cả ba thế hệ: ông/bà, bố/mẹ rồi đến cháu. Nhắc tới cô Xuân, PH nào cũng ấn tượng về sự nghiêm khắc trong dạy dỗ nhưng lại tình cảm với học trò, thân thiện, hài hước với PH. Cô có khiếu kể chuyện cuốn hút mà hài hước khiến ai cũng say mê và tôi cũng vừa là học trò cũ của mẹ, vừa là một người hâm mộ tính cách, học vấn cũng như những câu chuyện của bà.
Nhiều thế hệ bà dìu dắt đã đạt thành công trong cuộc sống. Có người hiện đang là trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thanh Trì; có người là giám đốc thành đạt; nhiều người công tác trong các lĩnh vực có đóng góp hiệu quả cho xã hội nhưng tất cả đều luôn nhớ ơn cô. Hàng năm, các lứa học trò ngày xưa đều mời cô tham gia các buổi gặp mặt, tri ân cô hay tới thăm hỏi, tâm sự, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy của cô để đưa vào bài dạy của mình trên lớp.
Là một người tươi vui, lạc quan, bà luôn truyền những năng lượng tích cực tới người đối diện. Bà tham gia nhiệt tình vào các hoạt động xã hội tại địa phương, là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tứ Hiệp. Với cách phân công đúng người, đúng việc nhưng vẫn thấu tình đạt lí. Hội Cựu giáo chức xã Tứ Hiệp nhiều năm liền đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND huyện Thanh Trì tặng giấy khen. Bà yêu thích tham gia công tác xã hội, kêu gọi hội viên nhiệt tình tham gia và nhiều lần tổ chức các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm cho Hội cũng như Câu lạc bộ Tiếng Anh huyện Thanh Trì. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi – Trưởng phòng Nội vụ còn hài hước chia sẻ: “Chị Xuân về hưu là tổn thất lớn cho ngành giáo dục.” Những người đã từng tiếp xúc đều có chia sẻ hóm hỉnh: “Ở gần cô Xuân vui như Tết.”
Mẹ chồng tôi là một người phụ nữ đầy kỷ luật và kiên nhẫn, đã quyết làm gì là dốc lòng làm tới cùng. Mỗi ngày, dù mưa hay nắng, bà đều dậy từ 5 giờ sáng để đi bộ, rèn luyện sức khỏe, sau đó đi chợ mua thực phẩm tươi ngon cho cả gia đình trước khi bắt đầu công việc giảng dạy. Bà chia sẻ: “Đi chợ sớm không chỉ mua được đồ tươi, ngon mà còn tiết kiệm chi phí.” Bữa cơm tối là khoảnh khắc sum vầy, nơi mọi người kể cho nhau nghe những câu chuyện trong ngày. Chính nhờ sự chăm lo chu đáo và vun vén của bà, sau ba năm chung sống, bố mẹ chồng tôi đã xây được căn nhà mái ngói đầu tiên – tổ ấm giản dị nhưng đầy tình thương và tiếp đó là ngôi nhà hai tầng khang trang mà cả gia đình hiện đang sinh sống.
Hiện nay, dù đã nghỉ hưu tròn 10 năm, nhưng tình yêu nghề vẫn luôn cháy bỏng trong bà. Bà tiếp tục nhận dạy thêm cho các em học sinh có nhu cầu và lịch học của bà luôn kín cả tuần. Phụ huynh vô cùng tin tưởng và thường xuyên tìm đến bà, mong muốn con mình được hướng dẫn tận tình. Sau một thời gian học tập, các em không chỉ tự tin hơn, tiến bộ rõ rệt trong học tập mà còn thực sự yêu thích môn Tiếng Anh. Nhờ vậy, bà luôn được các phụ huynh quý mến và chính họ lại giới thiệu thêm nhiều gia đình khác để con em họ có cơ hội học cùng bà.
Nhờ lối nói chuyện hài hước, các con cháu lúc nào cũng thích ở gần bà, hỏi ý kiến bà khi cần đưa ra những quyết định quan trọng. Gia đình luôn rộn rã tiếng cười. Hai cháu luôn quấn quýt, thích ngủ với bà, nghe bà kể chuyện.
Gia đình bà cũng là một minh chứng cho sự nỗ lực và thành công. Con trai bà, thầy Trương Quốc Đạt, hiện là Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Duyên Hà. Thầy không chỉ là một viên chức gương mẫu mà còn là người con hiếu thảo, luôn tự hào về mẹ mình. Với tinh thần làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, thầy Đạt đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Hai cháu của bà cũng không kém phần xuất sắc. Các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, tự giác và biết yêu thương, chia sẻ với mọi người. Những huy chương và giấy khen cấp quốc gia, thành phố và cấp huyện mà các cháu đạt được là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của bà trong việc nuôi dạy con cháu. Bà luôn dạy các cháu về giá trị của sự kiên trì, lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm.
Nhờ sự động viên, ủng hộ hết lòng và sự quan tâm chu đáo từ mẹ chồng, tôi đã có nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, cùng những giải cao cấp thành phố và huyện. Bà không chỉ là nguồn động lực lớn lao mà còn là tấm gương sáng để tôi và các thế hệ sau noi theo. Mỗi khi gặp khó khăn trong công việc, bà luôn sẵn lòng lắng nghe, chia sẻ và đưa ra những lời khuyên quý giá. Tôi sẽ mãi ghi nhớ lời bà dạy: “Để thành công, không chỉ cần kiến thức mà còn phải có lòng kiên trì và quyết tâm.”
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân không chỉ là một người mẹ, người bà vĩ đại trong mắt tôi mà còn là hình mẫu lý tưởng cho tất cả những ai muốn cống hiến và sống một cuộc đời ý nghĩa. Tôi tự hào được làm con dâu của bà và sẽ luôn nỗ lực học hỏi, noi theo tấm gương sáng của bà trong cuộc sống. Từ mẹ chồng, tôi hiểu rằng chỉ cần có lòng kiên trì, tình yêu thương và trách nhiệm, chúng ta có thể tạo nên những giá trị tốt đẹp không chỉ cho bản thân mà còn lan tỏa đến cả cộng đồng.
Là con dâu, đồng thời là một học trò cũ của mẹ, tôi luôn ngưỡng mộ và nỗ lực không ngừng để trở thành một giáo viên giỏi, yêu nghề và giàu lòng nhân ái như mẹ Xuân. Chúng con chúc mẹ Xuân luôn dồi dào sức khỏe và giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết như bây giờ, để tiếp tục là nguồn cảm hứng cho bao thế hệ sau.
Một số hình ảnh của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân
khi tham gia các hoạt động của Hội Cựu Giáo chức xã Tứ Hiệp
Con trai và con dâu cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận giấy khen cấp huyện, cấp thành phố
Người viết
Nguyễn Thị Thu Phương