Xã Thanh Liệt thuộc huyện Thanh Trì thành phố Hà Nội, có diện tích đất tự nhiên là 350 ha, dân số khoảng 20.000 người, địa dư hành chính của xã được chia thành 5 thôn và 2 tổ dân phố. Trước đây xã Thanh Liệt còn có tên là trang Quang Liệt, thường gọi là làng Quang Liệt hay gọi tắt là làng Quang, thuộc huyện Thanh Đàm, phủ Thường Tín, được hình thành và phát triển cách đây trên dưới 2.000 năm. Từ năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) làng Quang Liệt được đổi tên thành Thanh Liệt với ý nghĩa là trong sáng, thanh cao vào oanh liệt. Ngay từ khi còn nằm trong nôi, qua lời ru của bà, của mẹ, tôi đã được nuôi dưỡng tình yêu với mảnh đất mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng này.
Trên địa bàn xã Thanh Liệt có 8 di tích (3 đình, 1 đền, 3 chùa, 1 miếu). Tiêu biểu trong đó có 3 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia đó là chùa Quang Ân, đình thờ danh nhân tiên triết Chu Văn An và đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu). Đặc biệt là hệ thống di tích thờ tự liên quan đến Đô hồ Đại Vương Phạm Tu và “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An. Các khối kiến trúc vật chất đã được ghi nhận và bảo quản chu đáo. Bên cạnh đó là các nghi thức tế lễ, rước không kém phần quan trọng, làm phong phú thêm các giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn cho di tích. Ngày 18/12/2023, xã Thanh Liệt thật vinh dự và tự hào khi được công nhận là điểm du lịch tại QĐ số 6436/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội. Đây cũng là minh chứng khẳng định giá trị về văn hóa, lịch sử và con người của của quê hương Thanh Liệt.
Thanh Liệt được biết đến từ xưa vì có giống nhãn lồng và vải ngọt. Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi đã ghi: “Quang Liệt có vải ngon nhất nước, các triều đều có tiến…” còn nhãn lồng đã được ví ngang ổi làng Định Công: “Ổi Định Công, nhãn lồng Kẻ Quang”. Cánh đồng dưa chuột của thôn Văn cũng là một trong những đặc sản của làng quê Thanh Liệt được nhiều người biết đến.
Thật vậy! Trong các làng xã ở đất nước ta, hiếm có làng xã nào như Thanh Liệt quê hương tôi. Bời lẽ, chính nơi đây đã sinh ra hai bậc danh nhân nổi tiếng về võ công và văn trị trong lịch sử dân tộc. Đó là Long Biên Hầu – Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu (476 – 545), người ghi dấu ấn đặc biệt trong công cuộc giành lại nền tự chủ của dân tộc thời vua Lý Nam Đế lập nên Nhà nước Vạn Xuân năm 544. Đó là “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An (1292 – 1370), Tư nghiệp Quốc Tử Giám thời Trần, người thầy giáo mẫu mực của muôn đời, người Việt Nam thứ tư (sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh) được Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh và ra Nghị quyết cùng Việt Nam tiến hành các hoạt động kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông vào năm 2020.
Danh nhân Chu Văn An sinh ngày 15/8 năm Nhâm Thìn (1292) tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Thân phụ là cụ Chu Thiện, giỏi thiên văn địa lý. Thân mẫu là cụ Lê Thị Chiêm. Ngay từ nhỏ Chu Văn Anh đã rất ham đọc sách và học rất giỏi, ông là người có “học vấn tinh thuần, tiếng đồn gần xa” như sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi. Khi đỗ Thái học sinh (học vị Tiến sĩ thời nhà Trần), ông không ra làm quan mà mở trường dạy học ở quê nhà, mong mỏi đào tạo nên những thế hệ học trò có đủ tài đức để đóng góp cho đất nước.
Chu Văn An bắt đầu sự nghiệp dạy học với một mái tranh đơn sơ ở làng Huỳnh Cung, giáp với làng Quang quê mẹ. Nghe danh thầy Chu tài năng và đức độ, học trò khắp nơi tìm về trường Huỳnh Cung theo học rất đông và trường đã đào tạo nên rất nhiều trò giỏi. Trong khoa thi năm 1314, dưới thời vua Trần Minh Tông, có hai học trò của thầy đỗ Thái học sinh là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh. Cả hai đều làm quan dưới triều Trần, trong đó Lê Quát được thăng đến chức Thượng thư. Những môn sinh do thầy Chu Văn An đào tạo, dù làm quan to hay vinh hiển đến mức nào cũng luôn dành cho thầy một sự tôn kính và lễ độ.
Theo truyền thuyết, học trò của thầy Chu Văn An còn có cả con vua Thủy Tề. Một lần, để cảm phục ơn nghĩa dạy dỗ và tấm lòng thương dân của thầy, người học trò thuỷ thần này đã chấp nhận hi sinh, chịu sự trừng phạt của Thiên đình để làm mưa giúp dân qua cơn hạn hán. Tuy câu chuyện chỉ mang tính truyền thuyết nhưng qua đó nói lên nhân cách, đức độ của thầy giáo Chu Văn An có sức lay động, cảm hóa được cả thủy thần.
Chính vì nổi tiếng uyên bác như vậy nên vào khoảng năm 1324, Vua Trần Minh Tông đã mời Chu Văn An ra dạy học tại Quốc Tử Giám với mong muốn thầy Chu sẽ truyền đạt những giáo lý Nho học của mình cho các hoàng tử và con các vị quan lại – những người rất có thể sẽ trở thành những bậc đại quan trong triều đình sau này. Nhà vua giáo cho thầy Chu Văn An chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám và dạy học cho Thái tử Trần Vượng, sau này chính là vua Trần Hiến Tông.
Trong những năm Vua Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông trị vì, đất nước thanh bình, chính sự tốt đẹp. Đến khi Vua Hiến Tông mất, người em là Trần Hạo lên nối ngôi tức Trần Dụ Tông. Do nhà Vua lơ là, bỏ bê việc triều chính, bọn gian thần trong triều bắt đầu lộng hành, kéo bè kết đảng. Trước tình cảnh triều chính suy đốn, với tư cách là người thầy của Vua Dụ Tông, dù chỉ là một vị quan nhỏ nhưng Chu Văn An đã nhiều lần can ngăn Vua và can đảm viết nên “Thất trảm sớ”, xin chém đầu bảy tên gian thần lộng hành triều chính. “Thất trảm sớ” đã trở thành sự kiện chấn động cả Đại Việt, vì lúc bấy giờ, chỉ có những bậc đại quan mới có quyền can gián Vua. Tuy nhiên,“Thất trảm sớ” đã không được vua Dụ Tông chấp nhận, thầy Chu Văn An bèn treo ấn từ quan, về sống ẩn dật ở vùng núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu Tiều Ẩn tiếp tục nghề dạy học, làm thơ và nghiên cứu y học chữa bệnh cứu người…
Thầy giáo Chu Văn An là nhà giáo dục lớn nhất Việt Nam xét ở cả hai bình diện tài năng và nhân cách, được đánh giá là người thầy tiêu biểu, mẫu mực của muôn đời (Vạn thế sư biểu). Thầy đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Tư tưởng đó của Thầy không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của Thầy có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay mà Tổ chức Văn hoá – Giáo dục và Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã đúc kết, đề xuất. Đó là “học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để làm người”. Chính vì vậy, năm 2019, Đại Hội đồng UNESCO đã vinh danh Chu Văn An và ra Nghị quyết cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm ngày mất của Thầy vào năm 2020.
Đình thờ Chu Văn An xưa kia vốn là một ngôi đình nhỏ 3 gian lợp lá gồi được xây dựng năm Ất Dậu (1765) trên một khoảnh đất hẹp bên trái chùa Quang Ân tại cánh đồng thôn Trung, trông xuống đầm Ngọc (Đầm Tròn). Đến thời vua Tự Đức, năm 1873, đình được chuyển về vị trí hiện nay trên khu đất cao sát bên dòng sông Tô Lịch và được gọi là Đình Nội với ý nghĩa là “trong làng” để phân biệt với Đình Ngoại là “ngoài làng” thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu. Đình Nội thờ thầy giáo – danh nhân Chu Văn An và phối thờ hai vị tiên hiền là Chu Tam Tỉnh (đỗ tiến sĩ năm 1431) và Chu Đình Bảo (đỗ tiến sĩ năm 1484).
Từ khi xây dựng năm 1765, đình nhiều lần được trùng tu sửa chữa, trong đó có sửa chữa lớn vào năm 1864 và di chuyển về vị trí mới hiện nay vào năm 1873. Năm 1921, đình được xây thêm hai dãy nhà tả mạc và hữu vu. Trong hậu cung có tranh thờ thầy.
Thời phong kiến, đình là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, là nơi dân làng họp bàn việc chung, là địa điểm làm việc của kỳ hào, lý dịch của xã. Ngày 30/8/1945, Đình Nội là địa điểm thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của xã Thanh Liệt và là nơi chính quyền cách mạng ra mắt nhân dân. Năm 1989, Đình Nội đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia theo Quyết định số 100/ QĐ-VH ngày 21/01/1989 của Bộ Văn hóa.
Vào năm 2009 được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Đình Nội đã được tu bổ tôn tạo toàn bộ và mở rộng khuôn viên sân đình như hiện nay với kinh phí đầu tư xây dựng hàng trục tỷ đồng. Đình được gắn biển “Công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội”.Trải qua thời gian tồn tại và dẫu có những biến động qua các lần trùng tu, sửa chữa nhưng di tích vẫn còn giữ được những nét kiến trúc ban đầu và bảo lưu được những di vật quý như kiệu gỗ, khám thờ, y môn, của võng, hoành phi, câu đối,… Đình Nội xứng đáng là một trong những di tích quan trọng của huyện Thanh Trì, nơi thờ vị danh nhân lớn của đất nước.
Đình thờ danh nhân Chu Văn An từ nhiều năm nay là nơi được Sở GD& ĐT Hà Nội, UBND huyên Thanh Trì tổ chức Lễ khai bút đầu xuân. Ban tổ chức mời các thầy đồ viết chữ đẹp ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám và Viện Nghiên cứu Hán Nôm về khai bút, viết chữ tặng nhân dân. Những nét bút đầu tiên của năm mới như sự khởi đầu tốt đẹp về sư học hành, đỗ đạt, góp phần phát triển quê hương, đất nước. Vào những ngày đầu xuân, lễ, tết, Đình Nội đón nhiều người dân ở khắp nơi đến lễ, cầu mong những điều tốt đẹp đến với bản thân và gia đình với lòng kính cẩn, tôn nghiêm.
Quê hương tôi
Thanh Liệt nối mạch đất Thăng Long,
Quanh co theo dải sông Tô Lịch.
Những người con trên quê hương Thanh Liệt chúng tôi vẫn đang ngày ngày miệt mài học tập, công tác góp phần xây dựng xã nhà và tô thắm thêm truyền thống của quê hương anh hùng cách mạng.
Hãy đến thăm quê hương tôi -Thanh Liệt – vùng đất địa linh nhân kiệt để thêm hiểu và thêm mến và thêm yêu!
(Nguyễn Thị Tuyết Mai)