KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VĂN HÓA ỨNG XỬ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG GIAI ĐOẠN 2021 – 2025

  UBND HUYỆN THANH TRÌ

TRƯỜNG TIỂU HỌC THANH LIỆT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

            Số:  55 /KH-THTL

 

Thanh Trì, ngày 14 tháng 02  năm 2022

 KẾ HOẠCH

Xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng

Giai đoạn 2021 – 2025

         Căn cứ Kế hoạch số 296/KH – SGDĐT ngày 28/01/2022 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc Xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025;

         Thực hiện Kế hoạch số 70/KH-PGD&ĐT Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì về việc xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì giai đoạn 2021 – 2025.

         Trường tiểu học Thanh Liệt, huyện Thanh Trì xây dựng Kế hoạch xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng, giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể như sau:

      I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

  1. Mục đích

– Nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Trang bị các kĩ năng cần thiết khi tham gia môi trường mạng, hình thành ý thức, tạo thói quen tích cực khi sử dụng trên không gian mạng.

– Hướng dẫn về cách ứng xử văn hóa, các nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng; các kĩ năng tự bảo vệ mình, tìm kiếm địa chỉ cung cấp sự hỗ trợ, biết cách nhận diện thông tin xấu, độc, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng.

– Khai thác lợi thế của môi trường mạng để lan tỏa những giá trị văn hóa, xã hội tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

  1. Yêu cầu

– Đa dạng hóa hình thức, chú trọng tuyên tuyền và hướng dẫn thực hiện. Các giải pháp được triển khai phải thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng thông tin trên mạng, tập trung vào các nhóm đối tượng thường xuyên tham gia và có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

– Việc trau dồi các thói quen tích cực trên không gian mạng phải được duy trì thường xuyên, phù hợp với các đối tượng và điều kiện của nhà trường, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh khi tham gia trên không gian mạng.

      II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

  1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kĩ năng,

hình thành văn hóa ứng xử trên không gian mạng

          – Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng các hình thức truyền thông mới:

         + Xây dựng nội dung, phát hành tài liệu tuyên truyền về các quy tắc ứng xử trên không gian mạng phù hợp với các đối tượng tuyên truyền, tạo dựng thói quen, hành vi tích cực của người sử dụng trên không gian mạng.

          + Xây dựng nội dung, bản tin, hình ảnh trực quan, sinh động để tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên không gian mạng tại trang Web của nhà trường.

          + Lồng ghép các nội dung tuyên truyền, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, các hành vi ứng xử văn hóa trong các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ trẻ em trong nhà trường.

         – Tham gia các cuộc thi trực tuyến như tìm hiểu pháp luật, viết về các hành động đẹp khi tham gia môi trường mạng; các phong trào, mô hình thi đua nhằm tạo dựng môi trường “xanh”, “bình yên” trên mạng.

         – Phổ biến, hướng dẫn kỹ năng cần thiết để tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, kỹ năng ứng xử văn hóa, phù hợp với lứa tuổi trên không gian mạng cho học sinh.

          – Tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hiệu quả và ứng xử văn hóa trên không gian mạng cho CB-GV-NV-HS.

  1. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý thông tin trên mạng

          – Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, đồng thời nâng cao chất lượng nội dung thông tin phục vụ việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh, góp phần thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, phù hợp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

          – Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát thông tin trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng không gian mạng để phát tán thông tin xấu, độc; thông tin vi phạm pháp luật; giả mạo cá nhân, tổ chức của nhà trường; các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

  1. Nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp thông tin trên mạng

         – Tăng cường thông tin tích cực, tạo môi trường thông tin lành mạnh, hạn chế các thông tin xấu, độc, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

          – Nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng viết tin, bài cho cán bộ phụ trách viết tin bài trên cổng thông tin điện tử của nhà trường.

      III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Ban Giám hiệu:

        – Ban hành Kế hoạch xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của trường Tiểu học Thanh Liệt giai đoạn 2021 – 2025.

         – Kiện toàn Tổ truyền thông và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên trong tổ.

         -Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của CB-NV-HS-CMHS về văn hóa ứng xử trên không gian mạng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng đặc biệt đến kỹ năng an toàn trong môi trường trên không gian mạng cho trẻ em.

         – Cử cán bộ, giáo viên, nhân viên tham dự các lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

          – Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện Kế hoạch của nhà trường đã đề ra.

  1. Giáo viên, nhân viên nhà trường

         – Có ý thức xây dựng văn hóa ứng xử khi tương tác trên không gian mạng, trong các nhóm phụ huynh học sinh.Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, phổ biến kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hiệu quả và ứng xử văn hóa trên không gian mạng do nhà trường, phòng giáo dục tổ chức.

          – Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho học sinh; trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết khi tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, kỹ năng ứng xử văn hóa, phù hợp với lứa tuổi trên không gian mạng cho học sinh.

         – Trang bị cho học sinh nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng, kĩ năng tự bảo vệ, hướng dẫn khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng, biết cách nhận diện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng.

  1. Phụ huynh học sinh và học sinh

           3.1. Phụ huynh học sinh:

          – Tham gia phát hiện, đấu tranh với thông tin giả, thông tin xấu, độc trên không gian mạng có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em.

          – Phối kết hợp cùng nhà trường giáo dục, kiểm soát, trang bị cho con em mình các nhận thức về nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng, đặc biệt trong giai đoạn học sinh tham gia học trực tuyến.

          3.2. Học sinh:

          – Thực hiện tốt hướng dẫn của thầy, cô giáo và cha mẹ khi tham gia sử dụng các thiết bị học trực tuyến, khi tương tác trên không gian mạng, phòng tránh nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng.

         IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO

         – Kế hoạch được triển khai thực hiện từ tháng 2/2022.

         – Định kì hằng năm, nhà trường tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về việc thực hiện Kế hoạch; gửi báo cáo kết quả tổ chức triển khai Kế hoạch về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì trước ngày 05/12 hàng năm.

          -Trên đây là Kế hoạch xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng giai đoạn 2021 – 2025 của trường TH Thanh Liệt. Đề nghị cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh, học sinh nhà trường và các cá nhân, bộ phận có liên quan nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cần báo cáo kịp thời về BGH để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:

– Phòng GD&ĐT;

– CBGVNV; PHHS và HS;

– Lưu: VT.

HIỆUTRƯỞNG

 Đã ký

Trần Thị Loan

Tải file đính kèm tại đây: KH 55 – XD VĂN HÓA ỨNG XỬ TRÊN MẠNG