GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH THÁNG 10
“Hà Nội băm sáu phố phường”
“Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Quả thật, ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì không thể nào quên được tình yêu dành cho Hà Nội – một tình yêu không dễ để gọi tên, chỉ biết ngắm nhìn, trân trọng và nâng niu. Cuốn sách “Hà Nội băm sáu phố phường” chính là tác phẩm giúp ta hiểu hơn về một Hà Nội như thế, hiểu thêm về những nét đẹp của thủ đô yêu dấu.
“Hà Nội băm sáu phố phường” là tập bút kí nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, tập hợp lại những bài viết in trên báo sau khi ông qua đời. Sách được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2005 gồm 123 trang, khổ 20cm.
Thạch Lam (1910 – 1942) tên thật là Nguyễn Tường Lân, sinh tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Nhà văn là cây bút tiêu biểu thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Ông đã thổi một làn gió mới vào nền văn học Việt Nam với một phong cách sáng tác đặc biệt. Văn ông không hấp dẫn bạn đọc bằng những chi tiết xung đột, gay cấn mà gây xúc động trong lòng động giả bởi những trang văn thủ thỉ, tâm tình.
Đó là những cảnh đời, những con người và cảnh vật giản dị, gần gũi. Thạch Lam là một nhà văn tài hoa bạc mệnh vì ông qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Số lượng sáng tác của nhà văn này cũng không nhiều nhưng những gì ông để lại cho đời là một phong cách nghệ thuật độc đáo. Thứ quý giá nhất trong những tác phẩm của Thạch Lam có lẽ là ngôn ngữ. Đó là những con chữ thanh thoát nhưng không hề sáo rỗng mà lại toát lên vẻ bình dị hiếm có.
Nổi bật trong những tác phẩm của ông là cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường” chủ yếu viết về chuyện phố, chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có. Tập sách viết chủ yếu về những món ăn và sự gắn bó giữa ẩm thực với đời sống văn hóa xã hội của người Hà Nội thời bấy giờ. Những câu văn nhẹ nhàng, dung dị giúp ta mở ra cả một trời thương nhớ vùng đất thủ đô với biết bao thức quà trân quý. Những món ngon giản dị mà thanh cao khiến ai đi xa cũng phải nhớ về. Đó là bún sườn, bánh đậu, kẹo lạc thể hiện rõ phong vị của người Tràng An. Những thức ấy không chỉ là món ăn thông thường mà còn được nhà văn đưa lên một tầm nghệ thuật. Vì quà tức là người. Ẩm thực mỗi miền chính là cái minh họa xác đáng nhất cho phong cách sống và thưởng thức cuộc sống của con người nơi ấy.
Đọc những lời văn của Thạch Lam mà người ta không khỏi mơ về một buổi sáng mát lành được thưởng thức bát phở gầu giòn với nước dùng trong và ngọt. Phở làm Hà Nội thêm đẹp, và vì ở Hà Nội nên phở mới thật đặc sắc. Hay nhắc đến Hà Nội, người ta sẽ nhớ ngay đến cốm làng Vòng xanh ngon và thoang thoảng trong miệng mùi thơm ngọt ngào của lúa non mới gặt. Sau này, đã có nhiều nghiên cứu, tạp văn hay tùy bút viết về ẩm thực Hà Nội nhưng “Hà Nội băm sáu phố phường” vẫn có chỗ đứng của riêng mình trên văn đàn Việt Nam và trong trái tim của những người yêu Hà Nội.
Cuốn sách là tập hợp hai mươi mốt bài kí nhỏ như hai mươi mốt bức họa đầy hoài niệm, dựng nên hình bóng Hà Nội xưa với nhiều cảnh đời khác nhau. Đó có thể là những người phụ nữ tần tảo, sống một cuộc đời lầm lũi, vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng thấp thoáng giữa các số phận éo le đó lại ẩn hiện tình yêu đôi lứa trong sáng và thuần khiết. Tất cả đều là những câu chuyện về những con người Hà Nội, nép mình dưới những khu phố khác nhau, với những mảnh ghép cuộc đời khác nhau, hiện lên đơn sơ bằng ngòi bút chân thực của tác giả. Ông đã nhắc đến “nghệ thuật biển hàng” đang dần biến mất vì sự Tây hóa, học đòi của các chủ quán khiến văn hóa tiếng việt của dân tộc bị lu mờ.
Trên mỗi trang viết giản dị, mộc mạc là hình ảnh một Hà Nội xưa quyến rũ lạ kì, níu chân bất cứ vị khách nào lại qua. Đó là hình ảnh những mái nhà cổ kính bên những con đường quanh co, mềm mại, là nét văn hoá ẩm thực tinh tế… giữa không gian êm ả, thanh bình. Đọc xong cuốn sách, độc giả sẽ cảm nhận được toàn bộ vóc dáng và tâm hồn Hà Nội xưa.
Chỉ qua một tập tùy bút nhỏ, độc giả đã có thể thấy tâm hồn một Thạch Lam như đồng điệu với Thăng Long cổ kính, thanh tao. Nhà văn phố huyện Cẩm Giàng đôi khi chỉ cần vài ba dòng, vài ba câu mà gợi được cả hình ảnh về Hà Nội, không phải ở những khung cảnh sôi động, ồn ào, không phải ở những vấn đề xã hội gay gắt mà như một góc khuất lặng lẽ và chỉ người nào yêu Hà Nội lắm mới có thể nhận ra. Với một lối hành văn nhẹ nhàng, thanh thoát, Thạch Lam đã bất tử hóa những cái bình thường, làm rung động con tim người mến thương Hà Nội. Giọng văn của Thạch Lam không gay gắt, khoa trương, mà nhỏ nhẹ như một lời thủ thỉ của thiếu nữ đang tâm tình với người thương.
“ Hà Nội băm sáu phố phường” đã thể hiện tấm lòng trân trọng của Thạch Lam đối với văn hoá và quá khứ của Hà Nội. Ai trong chúng ta cũng nên có trong tay cuốn sách này để tự mình thả hồn vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu và cảm nhận thực sự những nét đẹp của Hà Nội.
Mời thầy cô và các em cùng đến với Thư viện trường TH Thanh Liệt để đón đọc cuốn sách này nhé.