Giới thiệu sách tháng 11

BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11

         Dân tộc ta từ xưa tới nay vốn có truyền thống tốt đẹp tôn sư trọng đạo. Thầy cô là những kỹ sư tâm hồn, suốt một cuộc đời thầm lặng như “Người lái đò” đưa khách qua sông, đưa các thế hệ học sinh đến những bến bờ tri thức. Chính thầy cô giáo đã chắp cánh ước mơ cho các em học sinh bay cao bay xa, cung cấp hành trang kiến thức giúp các em bước vào đời và thành công trong con đường học vấn của mình. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “… Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến cho đời”.

         Hòa trong không khí hân hoan hướng về ngày nhà giáo Việt Nam 20 – 11 ngày mà cả nước tri ân, tôn vinh công lao, sự đóng góp to lớn của các thầy, cô cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người. Thư viện trường Tiểu học Thanh Liệt xin trân trọng giới thiệu đến thầy, cô, các bậc phụ huynh và các em tác phẩm: Tâm huyết nhà giáo.             

                  

          Tâm huyết nhà giáo là bộ sách ra đời từ cuộc thi viết truyện ngắn về nhà giáo Việt nam do Bộ GD và ĐT, Hội nhà văn Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt nam, NXBGD kết hợp tổ chức. Cuốn sách này gồm 367trang khổ 13,5cm x 20,5cm, sách tập hợp 35 truyện ngắn trong số hàng trăm truyện tham dự cuộc thi, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành tháng 7- 2007 và đã được tái bản. Cuộc thi đã tập trung về đề tài Nhà giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

          Cuốn sách được thiết kế bìa màu xanh với hình bông hoa hồng đỏ thắm có ý nghĩa tôn vinh thầy cô là những bó hoa cuộc đời bình dị, ngát hương và cũng tượng trưng cho những bó hoa lớp lớp thế hệ học trò muốn dâng tặng thầy cô. Trên cùng bìa sách là tên của các đơn vị phối hợp tổ chức cuộc thi và xuất bản sách, giữa trang bìa nổi bật 4 chữ “Tâm Huyết Nhà Giáo”. Đó là trái tim, là tấm lòng nhiệt huyết của những con người vượt khó, vượt khổ miệt mài, kiên trì với nghề dạy học. Dưới cùng của trang bìa là Logo biểu tượng và dòng chữ Nhà xuất bản giáo dục.

          Ấn tượng của người đọc khi đến với tác phẩm là niềm hứng thú trước những trang viết đầy tâm huyết, đúng như tên gọi của quyển sách. Những câu chuyện kể có thật, cùng những cảm xúc dạt dào, những kỉ niệm khó phai về thầy, cô đã tạo nên sức hút mãnh liệt của tập sách. Đọc những câu truyện ngắn ấy, chúng ta như thấy lại  hình ảnh của chính mình, của những thầy cô giáo. Các câu chuyện cũng đề cao những tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, lối sống trong các quan hệ gia đình, xã hội, đồng nghiệp của những người có công lao lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Mỗi một câu chuyện kể về một kỉ niệm, một tâm tư, một nỗi lòng, hay một tình huống sư phạm của người thầy. Nhưng tất thảy đều giống nhau ở sự vượt khó để bám trụ với nghề, giống nhau ở lòng yêu thương trẻ thơ và mong muốn một ngày mai tươi sáng cho mỗi cuộc đời, cho tương lai đất nước.

         Đó là những thầy cô giáo mới vào nghề với biết bao lo âu, hồi hộp bối rối nhưng đầy hoài bão, nhiệt huyết sức trẻ như cô giáo Tuyết Anh trong chuyện “Cô tiên của em”. Câu chuyện  “Lỗi tại thầy” kể về người thầy lặng lẽ dành dụm đồng lương ít ỏi của mình giúp cậu học trò nghèo khó. Bên cạnh đó còn có những câu chuyện về những người thầy vẫn yêu, vẫn bám trụ với nghề để đem con chữ và tình yêu thương đến những em bé nơi hải đảo xa xôi hay miền rừng núi gập gềnh sỏi đá như chuyện “Cô giáo vùng cao và Bảy học trò đầu tiên” và “Qúa giang”. Hay câu chuyện  “Ở đó có những niềm vui” viết về một cô giáo trẻ vì biên chế giáo dục ngặt ngheò, cô thi tuyển công tác ở lĩnh vực khác nhưng vẫn nặng lòng, quay lại với cái nghề dạy học nghèo khó mà gian nan. Có những đêm mất ngủ, có những giây phút tâm trí căng lên như dây đàn và có những khi còn vương nước mắt. Nhưng rồi lại vui, lại đầy động lực khi nhìn thấy ở học trò sự đổi thay, tiến bộ. Có những câu chuyện với chi tiết tình huống dở khóc dở cười như câu chuyện “Chọn thầy”  kể về việc chọn thầy cho cậu con quí tử của gia đình hiếm con. Có cả câu chuyện về trận bóng đá giao hữu đầy vui nhộn, kịch tính giũa các thầy giáo với những cầu thủ không chuyên.

           Và chắc hẳn đọc cuốn sách ta sẽ ấn tượng đặc biệt là câu chuyện “Nỗi lòng người thầy” trang 148-161, một câu chuyện làm lòng ta trĩu nặng  mà đầy xót xa khi kể về người thầy mang căn bệnh hiểm nghèo vẫn dấu diếm tất thảy để cống hiến cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời. Thầy đã căn dặn trò thật là ân tình, thấm thía: “Con người ta khi mới sinh ra ai cũng hiền cả. Khi lớn lên, cuộc sống, xã hội sẽ làm họ mang những tính cách khác nhau. Thầy nói vậy, ý muốn cho các em biết rằng cuộc sống, xã hội có ảnh hưởng lớn đến chúng ta. Nó có thể làm chúng ta trở nên tốt bụng, nhân hậu nhưng cũng có thể biến chúng ta thành những người gian tham độc ác. Nhất là đối với các em – những người sắp bước những bước chân đầu tiên vào đường đời, phải suy nghĩ thật chín chắn trước khi làm một việc gì. Các em đừng quá tự mãn với những gì đang có mà phải biết phấn đấu vươn lên nhưng cũng đừng có quá nhiều tham vọng. Khi gặp thất bại,phải tự mình đứng dậy, đừng nản lòng”. Rồi sự trăn trở cảm động của thầy “Nhưng dù thế nào chăng nữa, mình cũng đã chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi xa này. Mình sẽ chờ thần chết dẫn đường. Điều đó có gì đáng sợ? Chết cũng là một phần trong cuộc sống đấy thôi. Nếu bạn sống tốt thì khi chết chẳng có gì phải sợ cả. Nhưng riêng tôi, tôi còn luyến tiếc một điều. Tôi muốn được thấy các trò của mình đỗ tốt nghiệp và cả đại học. Tôi muốn nghe chúng tíu tít: Thầy ơi em đỗ rồi, Thầy ơi ăn mừng nha thầy. Điều luyến tiếc này cũng là nỗi sợ của tôi .Tôi sợ rằng sự ra đi của mình sẽ gây ảnh hưởng đến các trò ấy. Các trò ơi! Cố lên nhé!”

          Những câu chuyện trong cuốn “Tâm huyết nhà giáo” còn đề cập rất đa dạng và phong phú những tình huống sư phạm như: Học sinh nói dối, học sinh bỏ học, học sinh phản ứng lại thầy cô, vô lễ với thầy cô… Và những cách xử lí tình huống rất thật của thày cô trong mỗi tiết học mỗi bộ môn, ở mỗi vai trò. Có những câu chuyện còn gắn với những câu châm ngôn đầy ý nghĩa giáo dục: Nhân tri sơ tính bản thiện, nhân bất học, bất tri lí, giấy rách phải giữ lấy lề … Để rồi ta thấy yêu mến cả người thầy và yêu mến cả những học trò còn như những cái cây non nớt, thường hay mắc lầm lỗi nếu không được uốn nắn kịp thời. Với 35 câu chuyện ta thấy được biết bao sẻ chia, biết bao cống hiến, biết bao yêu thương mà đáng kính nơi cuốn sách này. Có người thầy lặng lẽ, dịu hiền, có những người thầy nóng nảy, nghiêm khắc, song đều là để làm tròn sứ mệnh của mình, sứ mệnh của một người thầy để hoc sinh có thể hiểu được mỗi bài giảng, có thể nhận ra những sai trái, học tốt hơn, sống tốt hơn. Các câu chuyện đều phản ánh công lao to lớn của nhà giáo trong sự nghiệp Giáo dục & Đào tạo, đồng thời đề cao những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống trong các quan hệ gia đình, xã hội, nhà trường đồng nghiệp, nhất là đối với lớp lớp thế hệ học sinh thân yêu.

        Cuốn tâm huyêt nhà giáo là những áng văn tự sự tiêu biểu, giàu giá trị nhân văn. Đọc cuốn sách, giúp học sinh học tập được rất nhiều để có thể làm  được bài văn tự sự hay: như lựa chọn ngôi kể phù hợp sinh động, kể kết hợp miêu tả, biểu cảm, xây dựng tình huống truyện, tạo bất ngờ, dư âm, đối thoại, độc thoại nội tâm, kể dưới hình thức viết thư…  rất bổ ích. Và hơn hết đọc cuốn sách, chúng ta sẽ nhận ra một điều: Gặp nhau trên đời đã là cái duyên, nhưng người bên ta suốt cả thời niên thiếu, thầm lặng, cần mẫn trao cho ta tri thức và đạo đức để ta sống là người tốt đẹp, thì đó quả là cái duyên vô cùng sâu nặng, ân nghĩa, ân tình mà ta cần trân trọng khắc ghi như lời xúc động của một cậu học sinh trong cuốn truyện: “Thầy ơi, chúng em là những cánh diều. Thầy là sợi dây diều nối dài cho những cánh diều chúng em bay cao và hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng chớ quên người cầm đèn đang đứng kiên nhẫn trong đêm”.

         Để đọc cuốn sách, Thư viện trường Tiểu học Thanh Liệt luôn mở rộng cửa chào đón các thầy cô và các bạn học sinh.

 

Bài viết trước đó Lịch công tác tuần 11
Bài viết sau đó Thực đơn bán trú tuần 10